Những cách giảm nguy cơ tái phát đột quỵ

vào lúc 2022-06-24   14 View
Đột quỵ có thể tái phát rất cao, đặc biệt trong 3 tháng đầu, để giảm nguy cơ nên kiểm soát huyết áp, giảm mỡ máu, bỏ thuốc lá.

Những cách giảm nguy cơ tái phát đột quỵ

Ba tôi bị đột quỵ do xơ vữa gây tắc mạch cách đây nửa năm và phải điều trị 3-4 tháng liền. Hiện ông đã đỡ nhiều nhưng còn hơi méo miệng. Tôi nghe nói, người từng bị đột quỵ có nguy cơ tái phát rất cao. Điều này có đúng không thưa bác sĩ? Ba tôi nên làm gì để giảm thiểu nguy cơ tái phát đột quỵ và giúp ba tôi khỏe hơn? (Kim Huyền, Bình Dương)

Trả lời:

Nhiều nghiên cứu cho thấy, một người sau khi bị đột quỵ thì nguy cơ tái phát thường rất cao, nhất là trong 3 tháng đầu kể từ ngày bị đột quỵ lần đầu tiên. Ước tính tỷ lệ tái phát đột quỵ khoảng 25% trong 5 năm đầu tiên. Nếu nguyên nhân dẫn đến đột quỵ thuộc nhóm nguy hiểm thì tỷ lệ này sẽ cao hơn. Những bệnh nhân có những xơ vữa nặng các động mạch não thì nguy cơ tái phát có thể lên đến 20% ngay trong năm đầu tiên.

Theo số liệu của Viện Quốc gia về Rối loạn Thần kinh và Đột quỵ Mỹ (NINDS), có khoảng 200.000 ca đột quỵ mỗi năm tại nước này xảy ra ở những người trước đó từng bị tình trạng nàỵ. Do đó, phòng ngừa nhằm giảm nguy cơ tái phát rất quan trọng. Người bệnh cần phải tuân thủ thuốc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, bao gồm các thuốc giảm tình trạng xơ vữa mạch máu, thuốc chống kết hợp tiểu cầu, kháng đông và các thuốc kiểm soát các yếu tố nguy cơ như cao huyết áp, tiểu đường...

Những cách giảm nguy cơ tái phát đột quỵ

Những thuốc khác có thể hỗ trợ, giúp bệnh nhân cải thiện về mặt tinh thần và cảm xúc sau đột quỵ. Người bệnh cần duy trì các thuốc phòng ngừa lâu dài, không nên tự ý ngưng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ và phải tái khám đều đặn.

Đột quỵ có thể phòng ngừa bằng cách kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây ra tình trạng này. Không ai có thể bảo đảm đột quỵ tái phát sẽ không xảy ra, nhưng khả năng này có thể giảm rõ rệt nhờ điều trị thích hợp.

Người bệnh nên tuân thủ điều chỉnh lối sống kết hợp với các biện pháp can thiệp bằng thuốc bao gồm:

  • Kiểm soát huyết áp cao (tăng huyết áp): Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ cao nhất của đột quỵ. Những người sống sót sau đột quỵ cần được bác sĩ theo dõi và đưa huyết áp trở về mức bình thường. Người bệnh có thể cần thay đổi chế độ ăn uống và/hoặc dùng các loại thuốc được kê đơn để điều chỉnh huyết áp về mức mục tiêu điều trị.
  • Bỏ thuốc lá: Hút thuốc lá làm tăng đáng kể nguy cơ đột quỵ và có liên quan đến sự tích tụ các mảng xơ vữa trong động mạch. Thuốc lá cũng làm tăng huyết áp và làm cho máu đặc hơn và dễ đông hơn.

Những cách giảm nguy cơ tái phát đột quỵ

  • Tập thể dục thường xuyên và duy trì cân nặng: Béo phì và ít vận động có liên quan đến tăng huyết áp, tiểu đường và bệnh tim. Thừa cân làm tăng khả năng đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
  • Giảm mức mỡ máu (cholesterol): Cholesterol cao có thể dẫn đến sự tích tụ các chất béo (xơ vữa động mạch) trong mạch máu, làm giảm lượng máu và oxy lên não.
  • Kiểm tra bệnh tim: Các rối loạn tim thông thường có thể dẫn đến các cục máu đông gây tắc nghẽn các mạch máu não. Trường hợp này, người bệnh có thể cần dùng thuốc để ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông.
  • Quản lý bệnh tiểu đường: Bệnh tiểu đường có thể gây ra những thay đổi phá hủy trong các mạch máu khắp cơ thể, bao gồm cả não. Tổn thương não thường nghiêm trọng và lan rộng hơn khi lượng đường huyết cao. Điều trị bệnh tiểu đường có thể trì hoãn sự khởi phát của các biến chứng làm tăng khả năng đột quỵ.

Qua những thông tin phân tích ở trên, mong bạn và gia đình sẽ có thêm những cách hữu ích để chăm sóc sức khỏe cho ba bạn được tốt nhất.


Thực hiện bởi: Nguyễn Long

Tags

Chia sẻ với bạn bè


Bài viết liên quan